Đánh giá giá trị thang điểm Kyoto trong chẩn đoán nhiễm Helicobacter pylori ở bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính trên 60 tuổi. Đối tượng và phương pháp Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 130 bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính trên 60 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nhận định tổn thương dạ dày theo thang điểm Kyoto (teo niêm mạc, dị sản ruột, phì đại nếp niêm mạc, nốt sần, ban đỏ lan tỏa). Tình trạng nhiễm H. pylori được xác định bằng kết hợp urease test và mô bệnh học, nhiễm H. pylori khi dương tính ở cả 2 phương pháp. Kết quả Trong 130 đối tượng tham gia, 62/130 (47,7%) nhiễm H. pylori. Teo niêm mạc mức độ nhẹ - vừa - nặng chiếm 36,9%, 60,8%, 2,3%. Tỷ lệ dị sản ruột, phì đại nếp niêm mạc, nốt sần, ban đỏ lan tỏa là 5,4%, 14,6%, 4,6%, 22,3%. Điểm Kyoto phân bố từ 0-4. Thang điểm Kyoto có AUROC cao (0,907, 95% độ tin cậy (CI) 0,86-0,955, p=0,000) trong chẩn đoán H. pylori với điểm cắt chẩn đoán là 2, độ nhạy 69,4%, độ đặc hiệu 95,6%, giá trị dự báo dương tính 93,4%, giá trị dự báo âm tính 77,3% và độ chính xác 83,1%. Trong 5 đặc điểm nội soi, ban đỏ lan tỏa có giá trị nhất trong chẩn đoán H. pylori với AUROC cao nhất (0,688, 95% CI 0,594-0,781, p=0,048), độ đặc hiệu 95,6%, giá trị dự báo dương tính 89,7%. Kết luận Thang điểm Kyoto có độ chính xác cao trong dự đoán nhiếm H. pylori ở bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính trên 60 tuổi.