Nghiên cứu sử dụng hai lí thuyết, bao gồm lí thuyết học tập xã hội và lí thuyết học tập trải nghiệm làm cơ sở định hướng cho việc giáo dục kĩ năng phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ mầm non. Từ việc phân tích bản chất của các lí thuyết, các yêu cầu trong vận dụng lí thuyết và mối quan hệ về 2 mô hình học tập được đề cập đến trong lí thuyết học tập xã hội và học tập trải nghiệm, nghiên cứu nhận thấy, có thể vận dụng phối hợp cả hai mô hình này vào quá trình giáo dục kĩ năng phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ, trong đó, việc vận dụng cần đảm bảo các yêu cầu, đó là Coi trọng các cách thức học tập của trẻ được đề cập đến trong cả hai mô hình, đồng thời, lựa chọn biện pháp giáo dục phù hợp với từng cách học và các giai đoạn của quá trình hình thành kĩ năng phòng tránh tai nạn, thương tích ở trẻ. Cụ thể, đối với các tình huống dễ gây tai nạn, thương tích ít quen thuộc đối với trẻ hoặc trẻ chưa từng trải nghiệm, giáo viên cần ưu tiên tạo điều kiện cho trẻ quan sát mẫu hành động ứng phó với tình huống trước khi tổ chức cho trẻ thực hành, luyện tập theo mẫu. Tuy nhiên, với những tình huống trẻ đã được trải nghiệm và có kinh nghiệm ứng phó tương đối thành thục, giáo viên sẽ chú trọng hơn đến việc tăng cường các cơ hội cho trẻ tương tác với môi trường cũng như thực hành, luyện tập kĩ năng, từ đó, trẻ rút ra được những kinh nghiệm ứng phó phù hợp và kĩ năng của trẻ sẽ ngày càng phát triển tốt hơn.