Nghiên cứu được thực hiện với số liệu điều tra 60 nông hộ ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xuân Lộc là nơi sinh sống của cộng đồng người Kinh và người Vân Kiều, trong đó sinh kế chủ yếu dựa vào tài nguyên rừng và nông nghiệp quy mô nhỏ. Nghiên cứu tìm hiểu sự thay đổi của các nguồn vốn sinh kế giữa nhóm hộ người Kinh và nhóm hộ người Vân Kiều trong bối cảnh hạn chế tiếp cận tài nguyên rừng và từ đó xác định các chiến lược sinh kế ưu tiên phát triển của từng nhóm. Nghiên cứu cho thấy thứ nhất, nhóm nông hộ người Kinh có điều kiện để tiếp cận với các nguồn sinh kế dễ hơn, dẫn tới sinh kế đa dạng hơn so với nhóm nông hộ người Vân Kiều
thứ hai, có một sự thay đổi trong tiếp cận sinh kế của cả hai nhóm nông hộ, khi sản xuất nông nghiệp không còn đóng vai trò chủ đạo trong sinh kế mà thay vào đó là trồng rừng keo
cuối cùng, nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi chiến lược ưu tiên của nhóm nông hộ người Kinh là trồng rừng keo và tiêu, thì đồng bào dân tộc Vân Kiều lựa chọn trồng keo và chăn nuôi. Do đó, chính quyền địa phương cần có những chính sách và khung hướng dẫn rõ ràng và cụ thể để hỗ trợ cộng đồng trong tiếp cận và phát triển sinh kế hướng tới bền vững, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều.