Nhiều tài liệu cho thấy rằng chính sách quy hoạch ở Việt Nam hiện nay tiếp tục lấy quy hoạch đất đai làm "khuôn vàng thức ngọc" vì ưu tiên chủ yếu vẫn là mục tiêu kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng. Đây là những yếu tố quyết định, chi phối các dịch vụ dân sinh khác, tức là đang khác với logic quy hoạch tổng tích hợp hiện đại dựa trên ba trụ cột chính i) Quy hoạch dân số và xu hướng biến đổi nhu cầu về các "dịch vụ dân sinh" theo nghĩa rộng nhất của cụm từ này (dịch vụ nhà ở
dịch vụ giao thông
dịch vụ y tế
dịch vụ giáo dục
dịch vụ văn hóa
dịch vụ truyền thông
dịch vụ môi trường
hoạt động an ninh, quốc phòng,...)
ii) Quy hoạch đất đai hành chính
và iii) Quy hoạch đất đai cho hoạt động kinh tế, thương mại. Với cách phân chia các loại đất đơn giản như hiện nay phục vụ cho việc thống kê thường niên, trong tương lai, không gian công cộng không những khó được mở rộng mà còn bị thu hẹp so với mật độ dân cư, nhất là ở các đô thị. Trong khi đó, quy hoạch không gian công cộng trong quá khứ vẫn để lại cho chúng ta một bài học có ý nghĩa về mô hình tích hợp và phức hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu dân sinh. Việc so sánh hai logic quy hoạch tích hợp theo kiểu Pháp và logic quy hoạch không gian "kinh tế - xã hội", lấy yếu tố trung tâm là kinh tế và thương mại theo kiểu Anglo-Saxon cũng góp phần làm sáng tỏ "tư tưởng và chính sách quy hoạch không gian công cộng" của chúng ta mặc dù về mặt khoa học, biên giới giữa hai logic quy hoạch ấy hiện nay gần như bị xóa nhòa