Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá đặc điểm nông học và đa dạng di truyền bằng phương pháp phân tích tương quan, phân tích thành phần chính và phân tích cụm trên 20 tính trạng nông học của 16 dòng ngô ngọt nhiệt đới (NG01-NGO16) và 4 dòng ôn đới (NGO17-NGO20) tự phối đời S4 (phát triển từ các giống nhập nội có nguồn gốc Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ) với 3 dòng thuần đối chứng là SW1 (ngọt, vàng), D181 (ngọt, trắng) và UV10 (ngọt, tím). Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối đầy đủ hoàn toàn ngẫu nhiên với 3 lần nhắc lại tại Hà Nội trong vụ thu đông 2022, với 20 tính trạng nông học được chia thành 4 nhóm, gồm 5 tính trạng sinh trưởng, 7 tính trạng đặc điểm hình thái, 7 tính trạng năng suất và 1 tính trạng chất lượng. Kết quả phân tích tương quan cho thấy năng suất cá thể có tương quan thuận ở mức p<
0,01 với số hạt/hàng là 0,61, số hàng hạt/ bắp 0,57 và tương quan thuận ở mức p<
0,05 với đường kính 0,47 và chiều dài bắp 0,45. 20 tính trạng được giảm chiều thành 3 thành phần chính đóng góp 66,8% biến đổi kiểu hình. Trong đó, các tính trạng thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, chiều cao đóng bắp, góc lá, số hàng hạt/bắp, số hạt/hàng, khối lượng 1000 hạt, năng suất cá thể và tổng lượng chất rắn hòa tan có thể sử dụng để đánh giá sự khác biệt của các dòng ngô ngọt. Phân tích cụm dựa vào thành phần chính trên 20 tính trạng nông học đã phân 20 dòng ngô thành 3 nhóm chính. Nghiên cứu cung cấp thông tin hữu ích về đa dạng di truyền dựa trên kiểu hình và bổ sung nguồn gen ngô ngọt có giá trị cho chương trình chọn giống ngô thực phẩm cao cấp tại Việt Nam.