Việt Nam đã cho phép trồng ngô biến đổi gen có chứa gen Cry1Ab để tăng khả năng kháng sâu đục thân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về mức độ an toàn của loại cây trồng mới này, vì vậy đã có nhiều phương pháp sử dụng để phát hiện sự hiện diện của gen Cry1Ab trong cây ngô. Các phương pháp hiện tại phần lớn đều phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị phòng thí nghiệm và khó thực hiện ngoài thực địa. Gần đây, kỹ thuật khuếch đại DNA đẳng nhiệt LAMP (Loop Mediated Isothermal Amplification) đã được sử dụng để phát hiện nhanh các đối tượng gây bệnh trên người và vật nuôi một cách nhanh chóng, với độ chính xác cao và ít yêu cầu về trang thiết bị đắt tiền. Trong nghiên cứu này, quy trình phát hiện ngô biến đổi gen bằng kỹ thuật LAMP đã được xây dựng thành công thông qua khảo sát các yếu tố ảnh hưởng tới phản ứng. Kết quả cho thấy nồng độ phù hợp của các mồi FIP/BIP và F3/B3 là 0,4 µM với nhiệt độ phản ứng phù hợp ở 60 °C. Ngoài ra, qua khảo sát về ngưỡng phát hiện của phương pháp LAMP so với phương pháp Realtime PCR cũng cho thấy độ nhạy của phản ứng LAMP cao hơn phản ứng Realtime PCR. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc nhuộm HNB ở nồng độ 80 µM, có thể phân biệt được giữa ngô không chuyển gen và ngô chứa gen Cry1Ab. Kết quả này là tiền đề để thiết kế KIT phát hiện ngô biến đổi gen ngoài thực địa.Từ khóa Biến đổi gen, Cry1Ab, LAMP, ngô, Realtime PCR.