Mô tả đặc điểm dịch tễ và lâm sàng ở bệnh nhân có sẹo phì đại, sẹo lồi. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca trên 21 bệnh nhân đến khám tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da của bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020 đến tháng 10/2021 được chẩn đoán là sẹo phì đại, sẹo lồi. Kết quả Tuổi bệnh nhân đến khám trung bình là 32,0 ± 11,5. Tuổi trung bình khởi phát sẹo là 26,8 ± 11,6
hơn 80% bệnh nhân có tuổi khởi phát sẹo từ 10 - 30. Trong số các bệnh nhân tham gia nghiên cứu 85,7% bệnh nhân có type da IV và 14,3% bệnh nhân có type da III theo phân loại da của Fitzpatrick, 23,8 % bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc sẹo lồi. Lý do chính bị sẹo lồi là trứng cá chiếm 47,5%, do nguyên nhân phẫu thuật chiếm 18%, bỏng chiếm 18%, chấn thương chiếm 8,2% và có 8,2% sẹo lồi tự phát. Sẹo ở ngực gặp nhiều nhất chiếm 39,3% (trong đó trước xương ức là 29,5%, vú là 9,8%) sau đó đến bả vai, tay, chân, vú, góc hàm, bụng, cổ, mu, nách, gối... trong đó sẹo nằm ở vị trí có lực căng da nhiều, khớp di động như trước xương ức, vú, bả vai, góc hàm, gối... chiếm 63,9%. Kết luận Vị trí xuất hiện sẹo phì đại và sẹo lồi gặp nhiều nhất ở nơi có sức căng lớn và dễ bị các sang thương như ngực gồm có phần trước xương ức và vú 2 bên, sau đó đến bả vai, tay, chân, góc hàm, bụng, cổ, mu, nách, đầu gối. Khi hiểu rõ hơn về sự ảnh hưởng của lực căng da cơ học lên quá trình hình thành sẹo, ta có thể sử dụng những phương pháp làm giảm lực căng da để phòng ngừa việc hình thành sẹo phì đại, sẹo lồi.