Cám gạo, sản phẩm phụ trong quá trình xay xát thóc gạo bao gồm lóp vỏ lụa (biểu bì và lớp aleurone) và phôi, chứa khoảng 17-20% dầu với nhiều hợp chất có lợi đối vói sức khỏe con người nên ngày càng được ưa chuộng trên thế giới. Nghiên cứu này tiến hành chọn lọc phả hệ từ phép lai trở lại giữa dòng lúa đột biến có phôi to MGE13 (phát triển từ giống lúa năng suất cao Mizuhochikara) với dòng lúa có vỏ lụa dày LO1050. Quá trình chọn lọc kiểu hình và kết hợp với sử dụng chỉ thị phân tử đã chọn lọc được 12 dòng ở thế hệ BC3F4 có thời gian sinh trưởng và kiểu hình tưong tự như giống gốc Mizuhochikara đồng thời mang cả hai gene ge (quy định tính trạng phôi to) và QTL qAT7 (quy định tính trạng vỏ lụa dày). Khảo sát sơ bộ đã chọn được 3 dòng triển vọng (Ja25, Ja35 và Ja36) có năng suất cao, các chỉ tiêu liên quan đến hàm lượng cám như tỷ lệ cám/gạo lật, tỷ lệ diện tích phôi/diện tích hạt, vỏ lụa dày và hàm lượng dầu cao, vượt các giống đối chứng Mizuhochikara và J02 (giống lúa japonica trồng phổ biến ở miền Bắc Việt Nam). Đánh giá khả năng thích ứng với các vùng sinh thái trong cả vụ xuân và mùa ở cả 3 địa điểm Lào Cai, Hà Nội và Nam Định đã chọn được dòng Ja35 (DCG93) là dòng triển vọng nhất phục vụ sản xuất dầu cám gạo tại miền Bắc Việt Nam với thời gian sinh trưởng từ 135-140 ngày trong vụ xuân, 120-125 ngày trong vụ mùa, ít nhiễm sâu bệnh hại, năng suất đạt 67,6-70,5 tạ/ha trong vụ xuân, 55,7-58,5 tạ/ha trong vụ mùa, diện tích phôi đạt 2,02-2,04 mm2, tỷ lệ diện tích phôi/diện tích hạt đạt 12,2-13,1%, độ dày vỏ lụa đạt 24,2-24,7 ụm và hàm lượng lipid trong cám đạt 24,1-24,7%.