Đánh giá kết quả tạo hình mạch máu trong phẫu thuật ghép gan phải từ người hiến sống và các yếu tố liên quan. Đối tượng và phương pháp Nghiên cứu tiến cứu trên 52 trường hợp được ghép gan từ người hiến sống sử dụng mảnh ghép gan phải tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2020. Kết quả Có 3 trường hợp biến chứng tĩnh mạch gan giữa (2 hẹp, 1 tắc) (5,7%). Tỷ lệ tử vong do biến chứng tĩnh mạch gan là 1,9%. Có 5 trường hợp hẹp tĩnh mạch cửa (9,6%) trong đó có 2 hẹp tại miệng nối được mổ lại đặt stent tĩnh mạch cửa qua đường tĩnh mạch mạc treo tràng dưới. Các trường hợp còn lại do huyết khối tái phát và máu tụ chèn ép (5,8%), được điều trị nội khoa bảo tồn thành công. Trong mổ có 2 động mạch gan bị hẹp phải làm lại miệng nối từ 1-2 lần. Có 1 trường hợp bị hẹp động mạch gan do bóc tách nội mạc (1,9%), được điều trị nội khoa bảo tồn thành công. Tỷ lệ biến chứng mạch máu là 17,2%. Thời gian sống thêm toàn bộ của nhóm bệnh nhân là 29,7 tháng. Xác suất thời gian sống thêm tại thời điểm 6 tháng, 1 năm, 3 năm lần lượt là 88,5%, 82,7% và 82,7%. Các yếu tố liên quan đến biến chứng tĩnh mạch gan là đường kính miệng nối nhỏ hơn 30mm, yếu tố liên quan đến biến chứng tĩnh mạch cửa là bất đồng khẩu kính trên 1,5 lần và yếu tố liên quan đến biến chứng động mạch gan là đường kính động mạch gan mảnh ghép nhỏ hơn hoặc bằng 2mm và bóc tách nội mạc động mạch người nhận. Kết luận Tái tạo lưu thông tĩnh mạch gan phải và giữa thành một miệng nối duy nhất giúp giảm tỷ lệ hẹp tắc tĩnh mạch gan sau ghép.Can thiệp đặt stent điều trị biến chứng hẹp tĩnh mạch cửa là phương pháp hiệu quả và an toàn. Sử dụng kỹ thuật khâu vắt kiểu thả dù và kính lúp phẫu thuật độ phóng đại 3,5 lần là phương pháp hiệu quả và an toàn trong tái tạo lưu thông động mạch gan.