Việc chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) từ lâu nay chủ yếu dựa vào hình ảnh học kết hợp với AFP. Gần đây, các chất chỉ điểm như tỷ lệ AFP-L3 (AFP-L3% - đồng dạng của AFP) và PIVKA-II đã cho thấy có vai trò tích cực hơn khi ứng dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Vì vậy, nghiên cứu nhằm xác định độ nhạy của chúng trong chẩn đoán UTBMTBG và mối tương quan giữa chỉ số này với các đặc điểm bệnh học của khối u. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu Tiến cứu so sánh bắt cặp giữa các chỉ số trước mổ với các đặc điểm bệnh học ghi nhận dựa trên hình ảnh đại thể qua CT scan và phẫu thuật trên những bệnh nhân (BN) UTBMTBG (và các bằng chứng giải phẫu bệnh sau mổ) được phẫu thuật cắt gan tại khoa U gan bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh trong năm 2017. Số liệu thống kê được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 và phân tích qua phép kiểm phi tham số Mann-Whitney U hay Kruskal Wallis. Giá trị p <
0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê. Kết quả Có 104 BN, gồm 88 nam và 16 nữ, tuổi trung bình 56,3±9,9, 85% nhiễm HBV +HCV. Kết quả như sau Giá trị của AFP-L3% trung bình 23,5% (từ 0,5 đến 88,6), trung vị 8,6%, độ nhạy theo thứ tự các ngưỡng 5%, 10% và 15% là
58,7%, 48,1% và 43,3%. Giá trị của PIVKA-II trung bình 19.900,8 mAU/ml (từ 20,0 đến 261.255,0), trung vị 1.634,0 mAU/ml, độ nhạy ở ngưỡng 40mAU/ml là 98,1%. Kết hợp AFP-L3% với PIVKA-II độ nhạy thay đổi từ 42,3% (nếu 2 chất cùng tăng) đến 99% (nếu một trong 2 chất tăng). AFP-L3% tăng ở nhóm u có vỏ bao so với nhóm không có vỏ bao (p=0,018), PIVKA-II tăng ở nhóm u>
5cm so với nhóm u 5 cm (p=0,001) và có xâm nhập vi mạch so với u không có xâm nhập vi mạch (p=0,026).