Quá trình khai thác và vận chuyển hydrocarbon dầu mỏ gây ô nhiễm đất và nước ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển và sức khỏe của con người. Hiện nay, ứng dụng phương pháp phân hủy sinh học để xử lý đất, nước ô nhiễm dầu được xem là phương pháp hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để tăng khả năng sống sót và duy trì ổn định số lượng cũng như hoạt tính của các tác nhân phân hủy sinh học tại các vùng ô nhiễm, vi sinh vật (VSV) cần được cố định lên chất mang. Khả năng phân hủy dầu của VSV cố định lên chất mang đã được minh chứng là tốt hơn so với VSV ở trạng thái tự do. Trong nghiên cứu này, khả năng cố định chủng Bacillus sp. VTVK15 lên xốp polyurethane (PUF) đã được đánh giá. Hiệu quả cố định lên PUF của chủng Bacillus sp. VTVK15 đạt 92% tương đương với (5,38 ± 0,12) Í 108 CFU/g sau 8 ngày cố định. Kết quả phân tích GC/MS cho thấy, chủng Bacillus sp. VTVK15 được cố định lên PUF có khả năng phân hủy hydrocarbon là 90%, tốt hơn 25% so với ở trạng thái tự do không được cố định (65%) sau 14 ngày. Điều này minh chứng tiềm năng ứng dụng chủng Bacillus sp. VTVK15 cố định lên PUF trong xử lý ô nhiễm hydrocarbon dầu mỏ ở vùng nước mở ven biển bằng phương pháp phân hủy sinh học (Bioremediation).