Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma - HCC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Hầu hết bệnh nhân HCC được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, dẫn đến hiệu quả điều trị không cao. Vì vậy, chẩn đoán sớm HCC cho đối tượng có nguy cơ cao bằng chẩn đoán hình ảnh và các chỉ dấu huyết thanh có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát căn bệnh này. Hiện nay, α-fetoprotein (AFP) là chỉ dấu huyết thanh được sử dụng phổ biến để tầm soát HCC. Tuy nhiên, AFP huyết thanh không đủ tin cậy trong chẩn đoán HCC, nhất là giai đoạn sớm. Mục tiêu của nghiên cứu này là bước đầu đánh giá giá trị chẩn đoán HCC của chỉ dấu Des-γ carboxy prothrombin (DCP). Nồng độ DCP và AFP trong huyết thanh của 50 bệnh nhân HCC giai đoạn sớm (giai đoạn A), 50 bệnh nhân HCC giai đoạn muộn (giai đoạn B và C), 50 bệnh nhân viêm gan không mắc HCC và 50 người không có yếu tố nguy cơ đã được định lượng. Phân tích đường cong ROC cho thấy, với giá trị ngưỡng (cut-off) 11,93 ng/ml, độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán HCC của DCP tương ứng là 50 và 94%. Với HCC giai đoạn sớm, độ nhạy chẩn đoán bệnh của DCP là 34% trong khi độ đặc hiệu không thay đổi. Với chỉ dấu đang được sử dụng AFP, kết quả nghiên cứu cho thấy, ở giá trị ngưỡng 952,1 ng/ml, độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán HCC của AFP là 39 và 95%. Với HCC giai đoạn sớm, AFP không có hiệu quả chẩn đoán bệnh. Kết hợp hai chỉ dấu huyết thanh DCP và AFP không giúp cải thiện độ nhạy phát hiện HCC so với khi chỉ sử dụng chỉ dấu DCP. Nghiên cứu cho thấy, chỉ dấu huyết thanh DCP có thể được sử dụng thay cho AFP trong chẩn đoán HCC và làm tăng độ nhạy chẩn đoán bệnh.