Nghiên cứu này khảo sát trên đối tượng 120 học sinh của 4 trường THPT trên địa bàn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), nhằm xác định thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến nhận thức về tài nguyên rừng (TNR) và bảo vệ rừng (BVR) của học sinh. Kết quả cho thấy 72,1% số học sinh có nhận thức về giá trị của rừng
97,5% nhận thức đầy đủ về nguyên nhân gây suy giảm tài nguyên rừng
62,2% hiểu biết về tác hại của tình trạng rừng suy giảm. Nhận thức và hiểu biết của học sinh về trách nhiệm của các bên trong bảo vệ rừng chưa rõ ràng
có 60% số học sinh cho rằng họ có trách nhiệm tham gia gián tiếp trong BVR. Có 22 yếu tố thành phần thuộc 5 nhóm yếu tố đều có ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về tài nguyên rừng và bảo vệ rừng. Yếu tố kênh truyền thông đa phương tiện (TT) có ảnh hưởng lớn nhất đến nhận thức của học sinh với β = 1,00, kế đến là yếu tố giáo dục gia đình (GĐ) với β là 0,96, giáo dục nhà trường (NTr) với β là 0,95. Nhóm yếu tố giáo dục cộng đồng xã hội (XH) và sinh học - lứa tuổi (SH) có ảnh hưởng đến nhận thức, nhưng mức độ không cao. Có 6 yếu tố thành phần gồm TT3, GĐ5, GĐ6, NTr1, NTr4 và NTr5 chi phối, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức về tài nguyên rừng và bảo vệ rừng của học sinh. Để nâng cao nhận thức của học sinh cần có giải pháp điều chỉnh làm tăng mức độ ảnh hưởng của các yếu tố có mức độ ảnh hưởng thấp, duy trì phát huy mức độ ảnh hưởng của các yếu tố có mức cao.