Độ bền của vật liệu trong trong điều kiện khí hậu, thời tiết ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ và thời gian sử dụng của vật liệu. Môi trường khí hậu là nhiệt độ, độ ẩm và bức xạ mặt trời.... Độ bền của vữa dán gạch trong điều kiện làm việc quyết định chất lượng của vữa và tuổi thọ của hệ ốp lát gạch. Tiêu chuẩn Việt Nam không quy định yêu cầu kỹ thuật lựa chọn vữa dán gạch cho công tác ốp lát phù hợp. Bên cạnh đó thói quen sử dụng hồ dầu làm vật liệu dán gạch đã có từ lâu đời và vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong các dự án xây dựng. Điều này gây khó khăn cho các đơn vị thiết kế, thi công khi lựa chọn loại vữa, keo dán gạch ốp lát đảm bảo chất lượng. Bài báo này tập trung nghiên cứu sự thay đổi cường độ bám dính của vật liệu ốp lát trong điều kiện môi trường thay đổi, cụ thể là môi trường làm việc trong nhà và ngoài trời. So sánh bốn nhóm vật liệu hồ dầu PCB30, hồ dầu PCB40, vữa dán gạch cấp C1, vữa dán gạch cấp C2 (phân loại theo TCVN 78992008) được thi công ốp lát tại khu vực trong nhà và ngoài trời sau đó theo dõi sự thay đổi cường độ bám dính trong 12 tháng bằng phương pháp kéo nhổ. Kết quả cho thấy nhóm hồ dầu có cường độ bám dính ban đầu cao - cường độ >
0,5MPa (cấp C1) và giảm dần cường độ bám dính sau các mốc 3, 6, 9 và 12 tháng - giảm 97% cường độ bám dính so với cường độ ở 28 ngày tuổi và không đạt cường độ cấp C1
nhóm vữa dán gạch có cường độ bám dính ban đầu cao và giữ ổn định cường độ bám dính trong các mốc 3, 6, 9 và 12 tháng - biên độ giao động 15% so với cường độ 28 ngày và vẫn đạt chuẩn cấp C1, C2 tương ứng.