Ô nhiễm không khí do giao thông (TRAP) trở nên phổ biến ở các khu vực đô thị lớn. Nhóm phơi nhiễm cao (tài xế xe ôm, người bán hàng rong) với TRAP và có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp hay dị ứng cao hơn nhóm phơi nhiễm thấp (nhân viên văn phòng). Bằng chứng về tác động của TRAP lên sức khỏe hô hấp của từng nhóm đối tượng chưa được cập nhật và đầy đủ tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi triển khai nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh ảnh hưởng của TRAP lên chức năng hô hấp và các triệu chứng hô hấp trên nhóm phơi nhiễm cao và nhóm phơi nhiễm thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Các đối tượng phù hợp được chọn và phỏng vấn bằng bảng câu hỏi soạn sẵn về triệu chứng hô hấp ATS-DLD-78A, kiểm tra chức năng hô hấp bằng thiết bị đo chức năng hô hấp cầm tay Vitalograph COPD6, đánh giá phơi nhiễm PM2.5 bằng thiết bị giám sát phơi nhiễm cá nhân AirBeam2 trong khoảng thời gian từ 8 giờ đến 13 giờ. Nồng độ PM2.5 trung bình đo được ở nhóm phơi nhiễm cao cao hơn nhóm phơi nhiễm thấp (28,77 µg/m³ so với 15,9 µg/m³). Đối tượng nghiên cứu ở nhóm phơi nhiễm cao có triệu chứng ho cao gấp 7 lần (OR = 7,27
KTC 95% 2,03 - 26,05) so với nhóm phơi nhiễm thấp (p = 0,008). Có mối tương quan nghịch giữa thông số chức năng hô hấp FEV1/FEV6, %FEV1 và nồng độ PM2.5 phơi nhiễm khi tiếp xúc với không khí giao thông, nồng độ PM2.5 tăng lên 10 µg/m³ thì chỉ số chức năng hô hấp FEV1/FEV6 giảm 0,01 (p = 0,1384) và phần trăm giá trị dự đoán % FEV1 giảm 5,84% (p = 0,3259). Phơi nhiễm cao với ô nhiễm không khí do giao thông có tác động xấu đến sức khỏe hô hấp.