So sánh kết quả tỷ lệ thành công và biến chứng giữa hai phương pháp thông đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) cắt phễu bằng dao kim (Needle Knife Infundibulotomy - NKI) và thông nhú thông thường (Standard Papillary Cannulation - SPC). Phương pháp nghiên cứu Từ 6/2018 - 6/2020, tại BVTƯ Huế, có 208 bệnh nhân (72 nam, 136 nữ, tuổi trung bình 56.4) được chẩn đoán và can thiệp bằng nội soi mật tụy ngược dòng. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm nhóm A gồm 106 bệnh được thông đường mật theo phương pháp cắt phễu bằng dao kim (NKI), nhóm B gồm 102 bệnh theo phương pháp thông nhú thông thường (SPC). Các bệnh nhân đều chưa có tiền sử phẫu thuật, cắt cơ vòng. Chỉ định làm ERCP gồm có sỏi đường mật, bệnh lý tắc nghẽn đường mật khác và rò mật sau phẫu thuật. Thủ thuật can thiệp tùy trường hợp như thông nhú, cắt cơ vòng, nong đường mật, lấy - tán sỏi, đặt stent mật. Bệnh nhân sau ERCP được theo dõi qua mức men tụy (amylaselipase) trước và sau thủ thuật, những tai biến và biến chứng viêm tụy cấp, xuất huyết, thủng, nhiễm trùng đường mật... đều được ghi nhận. Kết quả Tỷ lệ thành công thông nhú vào ống mật chủ (OMC) nhóm A 94.3% (100/106 ca), nhóm B 79.4% (81/102 ca). Trong nhóm B, 20ca (19.6%) thất bại với phương pháp thông nhú thông thường (SPC) được chuyển sang phương pháp cắt phễu bằng dao kim (NKI), thì đạt thành công thêm 14 ca (13.7%). Biến chứng chung của nhóm A 5.7% (6/106 ca), nhóm B 22.5% (23/102 ca). Nhóm A 1 ca thủng, 1 ca chảy máu và 4 ca viêm tụy cấp nhẹ. Nhóm B 1 ca thủng, 3 ca chảy máu và 19 ca viêm tụy cấp nhẹ, vừa và nặng.