Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm ở phía bắc Việt Nam, nơi nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra từ năm 2013 đến 2017.Nghiên cứu này đã ứng dụng GIS trong việc lập bản đồ nguy cơ cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo nhằm hỗ trợ phát hiện sớm và phòng chống cháy rừng. Các biến môi trường được sử dụng trong nghiên cứu này bao gồm năm yếu tố khí hậu (nhiệt độ tối đa, nhiệt độ trung bình, lượng mưa, bức xạ mặt trời và tốc độ gió) và sáu yếu tố địa hình (loại thực vật, độ cao, độ dốc, hướng phơi, chỉ số độ ẩm địa hình và khoảng cách từ đường ). Các yếu tố được biểu diễn dưới dạng lớp raster, được phân tầng thành các lớp để xếp hạng theo cấp độ trước khi được xếp chồng lên nhau để tính tổng điểm. Rủi ro cháy rừng đã được phân thành 5 cấp độ từ rất thấp đến rất cao dựa trên kết quả tính toán. Kết quả cuối cùng cho thấy 16% diện tích nằm trong vùng nguy cơ rất cao, 24% diện tích trong vùng nguy cơ cao, 49% diện tích trong vùng nguy cơ trung bình và thấp và 11% khu vực có nguy cơ cháy thấp nhất. Các khu vực có nguy cơ cháy rất cao phân bố ở độ cao thấp dọc theo ranh giới phía tây nam của Vườn Quốc Gia Tam Đảo. Bản đồ nguy cơ cháy rừng tại vườn quốc gia Tam Đảo sẽ là 1 nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong việc quản lý và bảo vệ rừng trong mùa cháy rừng.