Nhằm xác định ảnh hưởng của mật độ và tần suất cho ăn đến sinh trưởng và tỉ lệ sống cá Leo Wallago attu giai đoạn ương giống, thí nghiệm được tiến hành với 5 mức mật độ (1, 2, 4, 8 và 16 con/L) và các tần suất cho ăn (1, 2, 3, 4 và 5 lần/ngày). Kết quả nghiên cứu cho thấy mật độ ương và tần suất cho ăn đã ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến tỉ lệ sống của cá thí nghiệm. Tỉ lệ sống của cá giảm ở mật độ ương nuôi cao (<
0,05). Tỉ lệ ăn thịt đồng loại giảm ở các nghiệm thức mật độ nuôi thấp. Tần suất cho cá ăn có tương quan thuận với tỉ lệ sống, tỉ lệ sống của cá tăng trên 50% khi tăng số lần cho ăn lên 3 - 5 ngày/lần. Tỉ lệ ăn thịt đồng loại của cá có mối tương quan nghịch với tần suất cho ăn. Nồng độ cortisol trong máu cá được xem như chỉ thị đối với mức độ stress của cá. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng nồng độ cortisol của cá Leo ở mật độ nuôi cao và tần suất cho ăn 1 và 2 lần/ngày cao hơn so với những nghiệm thức còn lại. Do vậy, mức độ stress của cá Leo có thể được xem như một trong những yếu tố chính dẫn đến hiện tượng ăn thịt lẫn nhau và làm giảm tỉ lệ sống đối với loài cá này ở giai đoạn giống. Những kết quả của nghiên cứu này có thể cung cấp thông tin hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả của việc ương nuôi cá Leo giống thông qua quản lý mật độ nuôi và tần suất cho ăn.