Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Gần đây, bên cạnh các phương pháp điều trị cổ điển, dược liệu và y học cổ truyền đang trở nên ngày càng phổ biến trong hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động của cao chiết từ vỏ quả măng cụt (Garcinia mangostana L.) trên mô hình bệnh ung thư vú do 7,12-dimethylbenzeneanthracene (DMBA) ở chuột nhắt cái. Chuột nhắt cái chủng Swiss, trưởng thành được cho uống DMBA 1mg/lần/tuần trong 6 tuần để gây ung thư vú. Sau đó, chuột được chia thành 4 lô, bao gồm lô sinh lý, lô mô hình được uống DMBA và 2 lô điều trị cao chiết vỏ măng cụt (GM) với liều 1,2 g/kg/ngày và 3,6g/kg/ngày trong 18 tuần. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong của chuột được điều trị bằng GM không khác biệt so với lô DMBA (p>
0,05). Chuột được điều trị bằng GM ở cả hai liều đều có thời điểm xuất hiện khối u muộn hơn và tỉ lệ khối u thấp hơn so với lô mô hình DMBA (<
0,05). Về mô bệnh học, tỷ lệ xuất hiện ung thư biểu mô vú hoặc tăng sản mô vú ở lô điều trị GM thấp hơn lô DMBA. Cao chiết vỏ quả măng cụt có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện khối u trong mô hình ung thư vú do DMBA gây ra ở chuột nhắt.