Bệnh bạc lá (BB) và rầy nâu (BPH) gây ra bởi Xanthomonas oryzae pv. oryzae (Xoo) và Nilaparvata lugens Stäl là hai tác nhân gây thiệt hại nghiêm trọng nhất đối với sản xuất lúa gạo. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm kết hợp hai tính trạng mong muốn (kháng bạc lá và rầy nâu) vào nền di truyền của giống lúa chất lượng Bắc Thơm 7. Các dòng lúa kháng đơn tính trạng được phát triển bằng phương pháp MABC, sau đó tiếp tục lai tạo, chọn lọc kiểu hình tính kháng, kiểu gen để chọn tạo ra các dòng tích hợp đa gen kháng đa tính trạng. Chỉ thị phân tử liên kết gen kháng được sử dụng để chọn lọc gen mục tiêu xa5, Xa7, Bph20 và Bph21 và bộ 52 và 56 chỉ thị phân tử đa hình bố mẹ được sử dụng để chọn lọc nền di truyền. Kết quả đã chọn được 03 dòng lúa thuần N2.3.38.39, N2.3.55.76 và N2.3.64.18 mang 4 gen kháng xa5, Xa7, Bph20 và Bph21, có khả năng chống chịu tốt với bệnh bạc lá và rầy nâu trong lây nhiễm nhân tạo, mang các đặc điểm nông sinh học tương tự giống gốc Bắc Thơm 7. Dòng lúa N2.3.38.39, được đặt tên là giống AGI-4, đã được khảo nghiệm tác giả, khảo nghiệm sản xuất và gửi khảo nghiệm cơ bản trong vụ xuân năm 2020.