Mô tả thực trạng mắc trầm cảm và một số yếu tố liên quan ở người cao tuổi trong cộng đồng tại Hà Nội và Quảng Bình năm 2021-2022. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu cắt ngang trên 312 đối tượng người cao tuổi được chọn ngẫu nhiên tại 8 xã, phường của hai tỉnh sử dụng thang điểm GDS-15 để sàng lọc và tiêu chuẩn DSM-V để chẩn đoán mắc trầm cảm. Kết quả 7,6% người cao tuổi có các rối loạn trầm cảm (Điểm GDS ≥6 trong tổng số 15 điểm tối đa) và 3,8% được chẩn đoán mắc trầm cảm. Tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn ở những người có điều kiện kinh tế thấp hơn, có tình trạng sức khoẻ chung kém hơn và có nhiều biến cố gây căng thẳng trong cuộc sống gần đây. Kết luận Trầm cảm là một vấn đề sức khoẻ đáng quan tâm ở người cao tuổi. Cần tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm và có các biện pháp chăm sóc hỗ trợ về tinh thần và xã hội để giảm gánh nặng trầm cảm ở người cao tuổi.