Việc tái sinh rừng ngập mặn sau bão ở Cần Giờ đã và đang được quan tâm nghiên cứu với triển vọng đưa ra được những phương án khắc phục hậu quả tương tự trong tương lai. Quá trình phục hồi thảm thực vật trong các khu vực gãy đổ do bão Durian năm 2006 đã ghi nhận sự xuất hiện của một số loài cua còng mới như Sarmatium germaini, Nanosesarma pontianacense, Myomenippe hardwickii theo quá trình tái sinh của rừng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã ghi nhận được 20 loài cua còng thuộc 12 giống, 7 họ, trong đó họ Sesarmidae và Ocypodidae chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, còng Perisesarma eumolpe là loài ưu thế trong tất cả các khu vực nghiên cứu nhờ vào khả năng chịu đựng và thích nghi với nhiều môi trường sống. Những khu vực tái sinh có sự hiện diện của nhiều loài còng thuộc giống Uca và sự xuất hiện của mộtsố loài mới. Kết quả về các chỉ số sinh học cho thấy quần xã cua còng có sự đa dạng thành phần loài vào mùa khô, ngược lại mùa mưa có sự gia tăng số lượng cá thể của loài ưu thế làm giảm sự đa dạng sinh học. Mật độ và sinh khối cua còng ở các sinh cảnh tái sinh ghi nhận giá trị cao hơn các khu rừng nguyên trạng. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy việc tái sinh tự nhiên đã góp phần tạo điều kiện cho quần xã cua còng phục hồi và mở ra cơ hội cho nhiều loài mới xuất hiện.