Nghiên cứu xác định hiệu quả trợ keo tụ của chất nhầy tách chiết từ vỏ quả thanh long (Hylocereus undatus) và khả năng giảm lượng chất keo tụ hóa học poly aluminum clorua (PAC) sử dụng trong quá trình keo tụ tạo bông để xử lý độ đục của các loại nước khác nhau. Các mẫu nước nghiên cứu gồm nước đục nhân tạo từ huyền phù cao lanh (KS), huyền phù từ nước sông và đất đồi (FW) và nước sông Tô Lịch (TL). Hiệu quả loại bỏ độ đục được nghiên cứu trên hệ keo tụ - tạo bông sử dụng PAC và chất nhầy từ vỏ quả thanh long theo mô hình Jar-test. Kết quả cho thấy điều kiện keo tụ tối ưu của PAC đạt được ở liều PAC là 20-50 mg/L và pH trong khoảng 6-8 (không phụ thuộc vào loại nước), với hiệu quả làm giảm độ đục cao nhất khoảng 98% đối với các mẫu nước đục. Khi sử dụng chất nhầy kết hợp với PAC thì lượng PAC sử dụng được giảm đi 50-68% để đạt được cùng hiệu quả làm giảm độ đục so với trường hợp chỉ sử dụng riêng PAC. Khi có mặt của chất nhầy, hiệu quả làm giảm độ đục của PAC được tăng cường 13-22%. Chất nhầy tách chiết từ vỏ quả thanh long đã thể hiện khả năng trợ keo tụ và có tiềm năng là một vật liệu xanh trong xử lý nước.