Đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng từ lâu đã được thực hiện như một cách xử lý chất thải với chi phí thấp và được sử dụng ngày càng rộng rãi ở các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, hoạt động này phát sinh các chất ô nhiễm vào khí quyển, gây tác động đến chất lượng không khí, biến đổi khí hậu và sức khoẻ con người. Để kiểm kê phát thải và đánh giá tác động của việc đốt hở rơm rạ, phương pháp tính toán dựa vào hệ số phát thải (EF) thường được ưu tiên áp dụng. Bài báo này nhằm mục tiêu tổng quan về các phương pháp thường được áp dụng để xác định hệ số phát thải các chất ô nhiễm không khí từ quá trình đốt hở rơm rạ, bao gồm phương pháp profin thẳng đứng, phương pháp mô hình phát tán, phương pháp dùng chất đánh dấu, phương pháp cân bằng cacbon, cảm biến hình ảnh bằng lase (LiDAR) và phương pháp xác định trong phòng thí nghiệm. Trên cơ sở phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp, bài báo chỉ ra được xu hướng nghiên cứu xác định hệ số phát thải từ hoạt động đốt hở rơm rạ trong tương lai