Các hệ sinh thái rừng có một vài trò thiết yếu trong điều tiết khí hậu thông qua quá trình tích trữ các bon. Rừng nhiệt đới ở Lào đang bị suy thoái đe dọa đến sinh khối cây đứng và khả năng tích trữ các bon của rừng, như là một phần của sự biến động các hệ sinh thái rừng. Trong nghiên cứu này, đa dạng loài cây và cấu trúc quần xã rừng được đánh giá thông qua 32 ô tiêu chuẩn 0.25-ha đại diện cho ba trạng thái rừng chủ yếu ở vườn quốc gia Phou Khao Khouay Nation Park, Lào. Kết quả cho thấy, tổng cộng 5.477 cây thuộc 188 loài và 57 họ được ghi nhận. H. pierrei là loài ưu thế nhất (IVI =9,29%) trong số 138 loài của rừng thường xanh khô (DEF)
A. grandis và L. fenestratus là đồng ưu thế nhất (IVI=8,57%) trong số 126 loài của rừng hỗn giao cây họ Dầu (MDF) và P. merkusii chiếm ưu thế lớn nhất với IVI =20,02% trong số 54 loài của rừng hỗn giao cây lá kim (MCF). Phân bố số cây theo đường kính có dạng chữ J ngược ở cả ba trạng thái rừng cho thấy tiềm năng tốt trong quá trình tái sinh và bổ sung của diễn thế rừng. Sự khác biệt có ý nghĩa của đặc trưng đa dạng loài và cấu trúc của ba trạng thái rừng được thể hiện qua phép kiểm tra Kruskal-Wallis với p-value <
0,05. Sinh khối các bon trên mặt đất giảm cùng với sự suy giảm của độ nhiều loài, tiết diện ngang và trữ lượng gỗ, với 184,00±66,79 Mg/ha ở DEF
107,57±7,90 Mg/ha ở MDF và 110,99±7,69 Mg/ha ở MCF. Các đặc trưng đa dạng loài và cấu trúc có ảnh hưởng theo chiều thuận với sinh khối các bon trên mặt đất ở khu vực nghiên cứu. Bảo tồn đa dạng sinh học được coi là vấn đề then chốt của chiến lược giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) của liên hợp quốc.