Nghiên cứu đánh giá kết quả sử dụng kĩ thuật tạo hình chữ Z trong điều trị sẹo co kéo ngón tay. Nghiên cứu can thiệp lâm sàng không đối chứng được thực hiện trên 18 bệnh nhân với 36 ngón tay bị sẹo co kéo tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2020 đến năm 2022, 31 ngón tay bị sẹo co kéo dạng dải hẹp loại I, II theo phân loại sẹo co kéo Rei Ogawa được điều trị bằng phương pháp tạo hình chữ Z đơn thuần, 5 ngón tay sẹo co kéo dạng mảng rộng <
1/4 chu vi ngón loại IIIa được điều trị bằng phương pháp tạo hình chữ Z phối hợp với ghép da. Thời điểm ra viện, tất cả các vạt chữ Z đều sống tốt, 1/36 ngón nhiễm trùng, mức tăng góc TAM 48,5 độ (93,1% mức thiếu hụt). Thời điểm sau phẫu thuật 6 tháng mức tăng góc TAM trung bình 39,6 độ (76%). Sẹo phẳng nhỏ mờ ở 30/36 ngón, 6 ngón có sẹo phì đại, tăng cảm giác đau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tạo hình chữ Z hữu dụng với sẹo dạng dải hẹp loại I, II, sẹo dạng mảng rộng loại IIIa <
1/4 chu vi ngón cần phối hợp với ghép da.