Biến đổi khí hậu làm cạn kiện, suy thoái nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới, cùng với đó là sự gia tăng mâu thuẫn trong sử dụng, quản lý tài nguyên nước (TNN) tại các lưu vực sông (LVS) liên quốc gia. Trong khi đó, sự đồng thuận, khung pháp lý cũng như cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước liên quốc gia còn chưa đầy đủ và thống nhất. Ở một số LVS liên quốc gia, các hiệp định, thỏa thuận về chia sẻ, sử dụng, bảo vệ nguồn nước chưa được một số nước thành viên tham gia. Mặt khác, một số hiệp định, thỏa thuận mới chỉ dừng lại về một vài khía cạnh của TNN mà chưa đề cập đến khía cạnh sử dụng, chia sẻ lợi ích khác. TNN của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào những quốc gia ở thượng lưu và việc khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu thuộc các nước láng giềng có ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước của Việt Nam. Do đó, giải quyết các vấn đề nguồn nước quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Các quy định của Điều ước là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia có chung nguồn nước thương lượng, giải quyết những vấn đề phát sinh trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước. Bài báo này thực hiện đánh giá sự phù hợp về thể chế (institutional fit) giữa các điều ước quốc tế về TNN vùng ĐBSCL với Luật TNN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023, nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, cùng với đó là khoảng trống về chính sách trong giải quyết các thách thức về TNN liên quốc gia ở vùng ĐBSCL, từ đó nêu lên tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong vấn đề hợp tác quốc tế về TNN liên quốc gia.