Là vùng đất trung hưng của triều Nguyễn, Nam Bộ có vị trí trọng yếu về quốc phòng và đối ngoại, có tiềm năng lớn để tạo ra bước đột phá cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và vị trí địa lý, vùng đất Nam Bộ dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu triều Nguyễn thường xuyên có những bất ổn về chính trị, cùng với đó là yếu tố kinh tế giao thương quốc tế mà đặc biệt là các hoạt động về thương mại,... đã đặt ra yêu cầu sử dụng quan lại ở đây phải là những người ''kinh bang thế tế, phải thực sự hiểu biết và có quá trình gắn bó với vùng đất Nam Bộ. Là hai vị vua có nhãn quan chính trị nhạy bén, vua Gia Long (1802-1820) và vua Minh Mạng (1820-1840) đã áp dụng biện pháp linh hoạt, có nhiều điểm khác biệt so với khu vực miền Bắc và miền Trung trong việc tuyển chọn và sử dụng quan lại tham gia trong bộ máy chính quyền ở Nam Bộ. Ở một mức độ nhất định những biện pháp này đã phát huy hiệu quả, giúp triều Nguyễn có được đội ngũ quan lại giàu năng lực phục vụ và có nhiều đóng góp cho triều đình nói chung, vùng đất Nam Bộ nói riêng không chỉ trong bối cảnh lịch sử đương thời, mà những dấu ấn của một số quan lại Nam Bộ còn ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức người dân đất phương Nam trong những giai đoạn sau.