Khảo sát tối ưu hóa liều xạ mô đích và giới hạn liều trên mô lành
Xác định tỉ lệ kiểm soát tại chỗ tại vùng 2 năm sau điều trị
Đánh giá biến chứng của xạ trị trong mô. Đối tượng và phương pháp Hồi cứu mô tả cắt ngang trên 25 Bệnh nhân ung thư lưỡi di động giai đoạn I, II và III nhập Khoa Xạ trị Đầu cổ - Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, được xạ trị triệt để trong đó bao gồm xạ trị trong mô, trong khoảng thời gian từ 01/01/2016 đến 01/01/2021. Số liệu được thống kê bằng phần mềm SPSS. Kết quả Tất cả trường hợp đều đạt tiêu chí phân bố liều tối ưu trên mô đích Liều trung bình D90 = 114% (đạt >
100% liều chỉ định) và V100 = 96% (đạt >
90% thể tích). Liều giới hạn trên 1cm2 (D1cc) xương hàm dưới trung bình là 273cGy, vượt ngưỡng cho phép (≤ 200cGy) do bướu sát xương hàm dưới. Tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn sau điều trị 6 tháng khá cao chiếm 80%, đáp ứng một phần 8% và bệnh tiến triển 12%. Trung vị thời gian theo dõi 13 tháng. Tiến triển sau điều trị 3 tháng là 8%. Khả năng kiểm soát tại chỗ tại vùng 2 năm sau điều trị là 90%. Biến chứng do xạ trị trong mô thường nhẹ và có thể chấp nhận, chảy máu sau khi tháo kim chỉ có 2 trường hợp, chiếm 8%. Kết luận Xạ trị trong mô ung thư lưỡi di động giai đoạn I, II và III đạt kết quả tốt phân bố liều tối ưu trên thể tích mô đích. Tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn và kiểm soát tại chỗ tại vùng 2 năm khá cao. Biến chứng của xạ trị trong mô thường nhẹ và có thể chấp nhận.