Phát triển đời sống hộ gia đình người dân tộc thiểu số luôn là vấn đề được ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo số liệu thống kê về các dân tộc trên cả nước, người Kinh chiếm hơn 86% tổng dân số, và các nhóm lớn nhất tiếp theo là Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng, Mông và Dao chiếm khoảng 10% tổng dân số. [1] Dân tộc Mường có số dân tập trung đông nhất là ở Hòa Bình, họ sống xen kẽ với người Kinh và các dân tộc khác, chủ yếu ở các huyện miền núi như Mai Châu, Kim Bôi, Cao Phong,... Mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước song đời sống của một số hộ gia đình thuộc các vùng này vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thông qua việc nghiên cứu định lượng và định tính các khách thể là các hộ gia đình dân tộc Mường thuộc hai xã Yên Lập, huyện Cao Phong và xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhằm khái quát, nhìn nhận được thực trạng đời sống các hộ dân tộc Mường, sự biến đổi trong đời sống sinh hoạt của các hộ so với thời kì trước. Đồng thời nghiên cứu cũng đi vào tìm hiểu các yếu tố dẫn tới sự thay đổi để từ đó đánh giá được những ưu nhược điểm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị phù hợp.