Quả Thanh mai (Myrica esculenta) ở những độ chín sau thu hoạch khác nhau sẽ có những biến đổi hóa lý, sinh hóa trong điều kiện môi trường bảo quản và là một thách thức lớn để xử lý sau thu hoạch. Quả được thu hái ở các độ chín sinh lý khác nhau, bao gồm khi bề mặt quả màu đỏ hồng, khi 50% diện tích bề mặt quả chuyển màu nâu sẫm và khi 100% diện tích bề mặt quả chuyển màu nâu sẫm. Quả bảo quản bằng công nghệ Hyokan ở nhiệt độ 4℃. Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ chín thu hái khi 100% diện tích bề mặt quả chuyển màu nâu sẫm (CT3) có ảnh hưởng rõ và tích cực đến một số chỉ tiêu hóa lý, sinh hóa cũng như chất lượng cảm quan của quả trong quá trình bảo quản. Sau 16 ngày bảo quản ở CT3 có sự biến đổi về hàm lượng một số chất dinh dưỡng và cảm quan chậm nhất, hao hụt khối lượng thấp (trung bình giảm 0,25%). Hàm lượng chất khô hòa tan giảm chậm (giảm 1,90 Bx so với ban đầu)
hàm lượng đường tổng số giảm chậm (giảm 0,82%)
hàm lượng axit tổng số thấp và giảm chậm nhất (giảm 0,22% so với ban đầu). Hàm lượng vitamin C giảm ít nhất (giảm 23,1% so với ban đầu). Chất lượng cảm quan của quả vẫn được đánh giá tốt nhất trong quá trình bảo quản (đạt 17,62 điểm). Như vậy, quả Thanh mai nên được thu hoạch ở độ chín sinh lý khi 100% diện tích bề mặt quả chuyển màu nâu sẫm để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và chất lượng cảm quan của quả trong quá trình bảo quản.