Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng kết hợp của mật độ rong câu chỉ (Gracilaria tenuistipitata) và chế độ sục khí lên khả năng hấp thụ đạm (N) và lân (P) trong nước thải nuôi tôm sú thâm canh. Thí nghiệm hai nhân tố gồm tám nghiệm thức với bốn mật độ rong câu chỉ (0, 1, 2 và 3 kg/m3) và hai chế độ sục khí (có sục khí và không sục khí), mỗi nghiệm thức được lặp lại ba lần và bố trí ngẫu nhiên trong thời gian 7 ngày. Kết quả cho thấy hiệu suất xử lý hợp chất đạm (TAN, NO3-, TN) và lân (PO43- và TP) của rong câu chỉ trong nước thải đạt cao nhất ở nghiệm thức có sục khí và mật độ rong câu 3 kg/m3 cho chất lượng nước đạt tiêu chuẩn QCVN 02-19 2014/BNNPTNT. Thành phần hóa học của rong sau thí nghiệm gồm ẩm độ, hàm lượng lipid và xơ không thay đổi nhiều. Riêng hàm lượng protein của rong ở tất cả các nghiệm thức tăng cao hơn trong khi hàm lượng carbohydrate giảm thấp so với ban đầu.