Khảo sát sự thay đổi huyết áp (HA) trong ca lọc máu thận nhân tạo lần đầu ở bệnh nhân (BN) bệnh thận giai đoạn cuối và một số yếu tố liên quan. Đối tượng, phương pháp Nghiên cứu mô tả cắt ngang tại trung tâm Thận Tiết niệu và Lọc máu bệnh viện Bạch Mai từ 11/2019 đến 10/2020. Đối tượng nghiên cứu ≥ 16 tuổi, được chẩn đoán bệnh thận giai đoạn cuối và có chỉ định lọc máu cấp cứu lần đầu tiên, ghi nhận giá trị HA tại các thời điểm bắt đầu, mỗi 30 phút trong ca lọc và kết thúc ca lọc máu và đánh giá mối liên quan giữa một số yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng đến sự thay đổi HA đó. Kết quả Có 100 BN thỏa mãn tiêu chuẩn. Tỷ lệ BN tăng HA, tụt HA và ổn định HA trong ca lọc máu lần lượt là 17%, 13% và 70%. Các BN có xu hướng tăng HA trong 120 phút đầu và tụt HA trong 90 phút đầu của ca lọc máu. Tỷ lệ tăng HA trong ca lọc máu cao hơn có ý nghĩa ở nhóm BN nam và sử dụng nhiều thuốc hạ HA hơn. Nhóm BN tụt HA trong ca lọc máu có chỉ số BMI, nồng độ hemoglobin trước lọc thấp hơn nhưng có nồng độ ure máu trước lọc cao hơn có ý nghĩa so với 2 nhóm BN còn lại. Chỉ số siêu lọc (UF) không có sự khác biệt giữa 3 nhóm BN.Kết luận BN nam và phải sử dụng nhiều thuốc hạ HA có khả năng bị tăng HA trong ca lọc cao hơn. BN có nguy cơ bị tụt HA trong ca lọc thường là những BN có chỉ số BMI thấp, thiếu máu nặng, nồng độ ure máu trước lọc cao. Không có mối liên quan giữa chỉ số UF với sự thay đổi HA trong ca lọc máu.