Năm 1868, sau khi chính phủ Minh Trị được thành lập, chính quyền này đã tiến hành cải cách mang tính toàn diện. Về thương mại, đối với trong nước, chính quyền Minh Trị cho phép tự do thương mại. Đối với nước ngoài, chính quyền Minh Trị mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới. Đông Nam Á, khu vực đã có mối quan hệ thương mại từ lâu đời, đã nhanh chóng được các doanh nghiệp và thương nhân Nhật Bản tìm đến và thiết lập các cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, sau thắng lợi của Nhật Bản trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động thương mại và đầu tư vào Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ XIX, trừ Slam (Thái Lan), các nước Đông Nam Á đều nằm dưới sự thống trị của các nước phương Tây, trong đó Đông Ấn Hà Lan (Netherlands East Indies (Indonesia)) nằm dưới quyền kiểm soát của Hà Lan. Trong chính sách đẩy mạnh quan hệ thương mại với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản chủ trương tiến mạnh vào các nước hải đảo do những nơi này có nhiều nguyên nhiên liệu có giá trị phục vụ cho phát triển công nghiệp và quốc phòng, đặc biệt là Đông Ấn Hà Lan. Bài viết tập trung phân tích mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đông Ấn Hà Lan trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến cuối những năm 1930, góp phần làm sáng tỏ vị thế của Đông Ấn Hà Lan đối với sự phát triển của Nhật Bản trong giai đoạn này.