Các yếu tố môi trường và thời gian sinh trưởng có tác động rất lớn đến hàm lượng các chất trong cây. Việc khảo sát ảnh hưởng của điều kiện địa lý và thời gian sinh trưởng lên hàm lượng một số hợp chất trong cây đinh lăng (Polyscias sp.) và sự đa dạng di truyền đã được thực hiện tại Trường Đại học Cần Thơ từ tháng 01/2019 đến 12/2020. Kết quả cho thấy, thời gian sinh trưởng và loại mẫu có ảnh hưởng đến hàm lượng chất trong cây đinh lăng. Trong đó, cây 5 năm tuổi có hàm lượng tannic acid, quercetine, veratrine và thiamine (lần lượt là 88,71, 3,86, 1,09 và 0,1 mg/g) cao nhất. Rễ của cây đinh lăng chứa nhiều dược chất hơn các phần khác. Cây trồng ở Cà Mau và An Giang có hàm lượng dược chất cao hơn khi trồng ở Hậu Giang và Cần Thơ. Dựa vào trình tự ITS cho thấy, 09 mẫu đinh lăng thu thập tại Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang, thuộc các loài Polyscias sp., P. fruticosa, P. quilfoylei và P. scutellaria có sự đa dạng di truyền.