Dẫn liệu về nguồn lợi hải sản ở vùng biển đảo Lý Sơn và lân cận được phân tích tổng hợp từ dữ liệu điều tra nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam bằng lưới kéo tầng đáy và lưới kéo trung tầng do Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2018. Từ dữ liệu hiện có, tiến hành truy xuất dữ liệu ở vùng biển đảo Lý Sơn, giới hạn trong phạm vi vĩ độ 15°00N - 16°00N và từ kinh độ 109°30E trở vào bờ để phân tích. Kết quả phân tích đã thống kê ghi nhận được ở khu vực nghiên cứu có 364 loài hải sản thuộc 106 họ nằm trong 27 bộ, 5 lớp động vật biển
số lượng loài chiếm 39,9% so với vùng biển Việt Nam và 79,6% vùng biển Trung bộ. Trong đó, chỉ có một loài nằm trong Danh lục Đỏ IUCN ở cấp độ sắp bị đe doạ (NT). Những loài thường gặp trong sản lượng khai thác gồm mực ống trung hoa, cá hố, cá nục sồ, cá chim hai vây, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá mối vạch, cá mối thường và cá sòng nhật. Nhóm loài chiếm ưu thế về sản lượng gồm cá rô trân châu, cá sạo xám, cá mú vây đen, cá hố, cá chim ấn độ, cá sòng nhật, cá sơn biển sâu, mực ống trung hoa và cá bánh đường đối với lưới kéo đáy và nhóm loài cá nục sồ, cá hố, cá sòng nhật đối với lưới kéo trung tầng. Năng suất khai thác bằng lưới kéo trong khu vực nghiên cứu tương đương với năng suất khai thác trung bình ở vùng biển Trung bộ. Năng suất khai thác nguồn lợi hải sản ở vùng biển sâu thường cao và có sự biến động lớn so với vùng biển nông gần bờ. Năng suất khai thác trong mùa gió Tây Nam thấp nhưng ổn định hơn so với ở mùa gió Đông Bắc. Kết quả nghiên cứu này góp phần cung cấp thông tin khoa học cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở vùng biển đảo Lý Sơn và lân cận.