Nghiên cứu khảo sát các triệu chứng y học cổ truyền liên quan tạng phủ Can, Tỳ, Vị trên người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu cắt ngang phân tích trên 384 người bệnh trào ngược dạ dày - thực quản tại phòng khám Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11/2021 đến tháng 05/2022, khảo sát 40 triệu chứng y học cổ truyền dựa theo bảng câu hỏi PIGERD. Kết quả Nữ giới chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới, độ tuổi trung bình tập trung ở lứa tuổi trung niên, thời gian mắc bệnh chủ yếu từ 1-18 tháng. Triệu chứng y học cổ truyền xuất hiện phổ biến nhất là mệt mỏi nặng nề (76,6%), ợ hơi (75,3%) và ăn vào dễ đầy bụng (72,9%). Các triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày - thực quản chiếm tỷ lệ khá cao như ợ chua (60,4%), ợ nóng (50,5%), nóng sau xương ức (45,3%). Bụng đau căng trướng (6,3%) và đau quặn (10,1%) chiếm tỷ lệ thấp nhất. Lưỡi đỏ (47,9%) và rêu lưỡi trắng mỏng (35,4%) là loại chất lưỡi và rêu lưỡi phổ biến nhất. Mạch huyền (44,3%) là mạch phổ biến nhất và mạch sác (14,8%) là mạch ít xuất hiện nhất. Kết luận Các triệu chứng y học cổ truyền xuất hiện rất đa dạng trong trào ngược dạ dày - thực quản, xoay quanh chủ yếu các tạng phủ Can, Tỳ, Vị. Các triệu chứng mạch và lưỡi xuất hiện rất phổbiến và các triệu chứng y học cổ truyền có vai trò quan trọng trong chẩn đoán y học cổ truyền trong bệnh lý này.