Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả xạ trị bằng kỹ thuật 3D-CRT và VMAT ở bệnh nhân hoá xạ đồng thời ung thư thực quản tại bệnh viện K. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả hồi cứu kết hợp tiến cứu trên 60 bệnh nhân điều trị hoá xạ đồng thời ung thư thực quản bằng kỹ thuật 3D-CRT và VMAT tại bệnh viện K từ tháng 5/2018 đến tháng 5/2021. Kết quả Tuổi trung bình 54,4 ±7,0 (43-69). Tỷ lệ nam/nữ là 59/1. Tỷ lệ nuốt nghẹn 91,7%. Có 46 (76,7%) bệnh nhân giai đoạn T3, 14 (23,3%) bệnh nhân ở giai đoạn T4. Thể giải phẫu bệnh của các bệnh nhân là ung thư biểu mô vảy (100%). Các thông số bao phủ liều đến PTV (thể tích xạ kế hoạch - Planning target volume) của xạ trị VMAT so với 3D-CRT V95 98,4% - 94,35%, V110 0,15% - 5,35%. Dmax tại tuỷ và da VMAT thấp hơn so với 3D-CRT. Liều tại phổi (V5,V20) và tại tim (V40) VMAT thấp hơn so với 3D-CRT.Tỷ lệ đáp ứng toàn bộ sau hóa xạ trị là 48,3%, tỷ lệ đáp ứng 1 phần là 41,7%, tỷ lệ bệnh không đổi là 10%. Độc tính trên hệ huyết học là hạ bạch cầu (6%), hạ tiểu cầu (1,7%). Độc tính viêm da do xạ trị (58,4%), viêm thực quản do xạ trị (18,3%), độc tính viêm phổi do xạ trị (3,3%), không ghi nhận độc tính trên hệ tim mạch. Kết luận Xạ trị ung thư thực quản bằng kỹ thuật VMAT và 3D-CRT cho kết quả tốt và an toàn, kỹ thuật VMAT cho thấy tập trung liều xạ tốt hơn và ít độc tính hơn kỹ thuật 3D-CRT.