Gạo nếp từ lâu được coi là đặc sản của nhiều vùng miền và được sử dụng cho đời sống văn hóa tín ngưỡng của con người. Để chọn nguồn vật liệu lai tạo các giống lúa nếp mới, 14 giống lúa nếp được sử dụng để đánh giá đặc điểm hình thái hạt, chất lượng gạo và cơm, phân tích hóa lý và phân tử. Các chỉ tiêu hóa lý được phân tích theo Tiêu chuẩn Quốc gia hiện hành, đồng thời sự hiện diện của gen thơm và gen quy định hàm lượng amylose cũng được đánh giá qua chỉ thị BADH2 và WxIn1. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 giống thuộc nhóm gạo hạt dài (6,61 - 7,5 mm), chiếm tỷ lệ 35,7% gồm Nếp Thơm, Nếp Thái - 2, Nếp Thái Mỡ, Nếp Bến Tre, OM10412
chín giống thuộc nhóm hạt trung bình (5,51 - 6,60 mm). Các giống trong thí nghiệm có nhiệt độ trở hồ từ cấp 2 đến cấp 6, tập trung chủ yếu ở cấp 4 và 5 (nhiệt độ hóa hồ trung bình). Hàm lượng amylose dao động trong khoảng 1,8 - 5%, xếp loại nếp. Sử dụng dung dịch KOH 1,7% đánh giá mức độ thơm của gạo lức cho thấy, có 4 giống thơm là Nếp Thơm, Nếp Bến Tre, OM10412 (thang điểm 2) và Nếp Hương (thang điểm 3), đồng thời cả 4 giống trên đều có mang gen thơm khi kiểm tra kiểu gen thơm với chỉ thị BADH2, tất cả 14 giống nếp nêu trên đều có hàm lượng amylose thấp, có kiểu gen T, ngoại trừ giống Nếp Thái Mỡ với hàm lượng amylose (5%) xuất hiện trạng thái dị hợp (T/G). Kết hợp các kết quả có thể chọn được giống Nếp Thơm, Nếp Bến Tre, OM10412, Nếp Hương là những giống lúa nếp chất lượng cao, có sự hiện diện của gen thơm và hàm lượng amylose thấp, có dạng hạt dài và trung bình. Kết quả nghiên cứu hứa hẹn góp phần chọn tạo được các giống lúa nếp mới chất lượng cao trong thời gian tới.