Bài viết tìm hiểu về hoạt động ngoại giao vắc xin của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19. Bằng lăng kính của khái niệm ``xây dựng thương hiệu quốc gia'', trọng tâm của bài nghiên cứu này nhằm đánh giá các động cơ chiến thuật và chiến lược của Trung Quốc thông qua hoạt động ngoại giao vắc xin COVID-19 tại khu vực này. Bên cạnh đó, các tác giả cũng xem xét thực tế triển khai hoạt động ngoại giao vắc xin của Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ cũng đẩy mạnh chính sách viện trợ vắc xin ở Đông Nam Á. Dựa trên số liệu được thu thập từ các nguồn chính thức, bài nghiên cứu phân tích hoạt động ``ngoại giao vắc xin COVID-19'' của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, tình hình tiêm chủng vắc xin COVID-19, cũng như phản ứng của công chúng tại các quốc gia trong khu vực đối với việc chích vắc xin Trung Quốc thông qua chính sách tiêm ngừa quốc gia. Nhóm tác giả cũng chỉ ra được mục tiêu ngắn hạn của chính quyền Bắc Kinh thông qua chiến dịch ngoại giao vắc xin COVID-19, đó là là gây dựng lại hình ảnh quốc gia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì là quốc gia khởi phát đại dịch COVID-19 tại Vũ Hán. Quan trọng hơn cả, bài nghiên cứu cho rằng những động cơ chiến lược thúc đẩy chính quyền Trung Quốc ráo riết thực hiện các hoạt động ngoại giao vắc xin COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á là vì những lợi ích chiến lược về kinh tế và chính trị. Ngoài ra, bài viết cũng tìm hiểu những thách thức mà các hoạt động ngoại giao vắc xin Trung Quốc gặp phải ở khu vực Đông Nam Á trước giá bán đắt đỏ và những hoài nghi về chất lượng của vắc xin Trung Quốc.