Ngày nay, những giá trị về nhân quyền, dân quyền và đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới tính (nam nữ bình quyền) đã trở thành yêu cầu bức thiết và có ý nghĩa quyết định đối với sự tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, trong suốt nhiều thế kỉ, phụ nữ bị phân biệt đối xử trên phương diện pháp lí là hiện tượng phổ biến trong lịch sử trên quy mô toàn cầu. Ngay cả với một quốc gia luôn tự hào về truyền thống dân chủ của mình như nước Mỹ, phụ nữ cũng chỉ được coi là công dân "hạng hai" và những đóng góp của họ dường như "biến mất" trong lịch sử. Phải đến những năm 1960 - 1970, dưới tác động của Cách mạng Dân quyền, việc nghiên cứu lịch sử phụ nữ Mỹ với tư cách là một lĩnh vực độc lập mới thu hút được sự chú ý của các học giả. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung phân tích 2 vấn đề chính tìm hiểu địa vị "hạng hai" của phụ nữ Mỹ trên phương diện pháp lí và tìm cách lí giải nguyên nhân nào đưa đến việc tồn tại bất bình đẳng giới một cách dai dẳng như vậy suốt thời cận đại (thế kỉ XVI - XIX) trong lịch sử quốc gia này. Từ đó, giúp người đọc nhìn nhận một cách hệ thống, khách quan về những nỗ lực của phụ nữ Mỹ trong cuộc đấu tranh giành quyền công dân hợp pháp của mình sau này.