Phục hồi rừng sau nương rẫy là vấn đề đã được nhiều tổ chức quốc tế cũng như trong nước quan tâm. Đặc biệt, trong Vườn Quốc gia Bến En có sự xen lẫn một số khu vực dân cư, nên việc canh tác nương rẫy đã tồn tại nhiều năm trước đây, diện tích nương rẫy bỏ hóa cũng tương đối lớn. Vì vậy, việc đánh giá khả năng phục hồi cũng như tính đa dạng các loài cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ sau các giai đoạn bỏ hóa là rất cần thiết. Trong phạm vi nghiên cứu này đã tiến hành đánh giá khả năng phục hồi rừng sau nương rẫy bỏ hóa theo 3 giai đoạn 14 - 15 năm
19 - 20 năm và 24 - 25 năm. Kết quả cho thấy tổ thành các loài cây gỗ ở tầng cao phục hồi sau nương rẫy tăng lên theo thời gian khá rõ, giai đoạn 14 - 15 năm có 58 loài, ở giai đoạn 19 - 20 năm có 80 loài và giai đoạn 24 - 25 năm có 105 loài, tổng 3 giai đoạn phục hồi có 164 loài. Trong đó, đã xuất hiện 38 loài có khả năng cung cấp lâm sản ngoài gỗ, bao gồm 26 loài sử dụng quả và 12 loài sử dụng lá. Đặc biệt, Vù hương là loài duy nhất có thể sử dụng tất cả các bộ phận của cây để chưng cất tinh dầu. Phần lớn các loài (117 loài) có khả năng sử dụng gỗ để đóng đồ gia dụng, 23 loài có thể sử dụng các bộ phận của cây để làm gia vị, 3 loài cây có thể sử dụng làm thuốc và chỉ 1 loài cho tinh dầu. Số lượng loài cây tái sinh cũng tăng lên khá rõ rệt ở 2 giai đoạn đầu, trong đó giai đoạn 14 - 15 năm có 55 loài, giai đoạn 19 - 20 năm đã tăng lên tới 95 loài và giai đoạn 24 - 25 năm chỉ có 85 loài. Tổng số loài cây tái sinh ở cả 3 giai đoạn là 144 loài. Trong đó, có một số loài ưa sáng đã không còn xuất hiện ở giai đoạn 24 - 25 năm, nhiều loài cây chịu bóng và ưa bóng đã bắt đầu xuất hiện. Trong số các loài cây gỗ tái sinh nói trên cũng có tới 30 loài có khả năng cung cấp các loại lâm sản ngoài gỗ, gồm 4 loài cây cho sản phẩm làm dược liệu, 5 loài cây cho sản phẩm nhựa, 6 loài cây cho sản phẩm làm hương liệu, còn lại là cung cấp các sản phẩm làm gia vị và thực phẩm. Bộ phận sử dụng cũng rất đa dạng như thân, lá, vỏ, quả và hạt.