Đánh giá hiệu quả mô hình trồng lúa liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Số liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập thông qua phỏng vấn hộ bằng bản hỏi bán cấu trúc với 60 hộ dân trồng lúa tại địa bàn vùng nghiên cứu năm 2020 kết hợp với nguồn số liệu thứ cấp. Trên cơ sở đó, các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường được phân tích để đánh giá hiệu quả của mô hình trồng lúa liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình trồng lúa truyền thống. Kết quả cho thấy, mô hình trồng lúa liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần giảm chi phí đầu tư cho nông hộ, tăng năng suất. Giá trị sản xuất của mô hình lúa liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 45 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 6,2 triệu đồng/ha/vụ so với lúa truyền thống. Giá trị gia tăng cũng cao hơn 14,5 triệu đồng/ha/vụ so với lúa truyền thống. Ngoài ra, giá trị ngày công lao động của lúa liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn so với lúa truyền thống. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng góp phần cải tạo môi trường đất. Mô hình trồng lúa liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP đã bước đầu thúc đẩy kinh tế ở quy mô hộ gia đình và đóng góp thúc đẩy thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo ở địa bàn nghiên cứu.