Mô tả đặc điểm ngôn ngữ của trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ năm 2021-2022. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả chùm ca bệnh được thực hiện trên 60 trẻ từ 24 đến 72 tháng tuổi đủ tiêu chuẩn chẩn đoán của DSM-5, đã được bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi chẩn đoán mắc tự kỷ. Số liệu được phân tích bằng kiểm định Chi bình phương, kiểm định chính xác Fisher và Anova. Kết quả Nghiên cứu ghi nhận Độ tuổi trung bình 48,23 + 11,45 tháng. Tỷ lệ mắc rối loạn phổ tự kỷ nam/ nữ = 3,29. Phụ huynh là người phát hiện bất thường đầu tiên (96,7%), qua 2 triệu chứng phổ biến là "chậm nói" (60,0%), "giảm tiếp xúc mắt" (16,7%) chủ yếu ở giai đoạn 18-24 tháng (96,7%), tuổi chẩn đoán trung bình là 31,07 + 8,297 tháng. Về đặc điểm lâm sàng giao tiếp, các dấu hiệu thường gặp là "Không chơi theo quy luật phù hợp với tuổi" (85%), "Không chơi đóng vai nhân vật" (83,3%), "Không lên hoặc xuống giọng phù hợp" (80%), "Không chủ động gọi, nói chuyện" (78,3%). Mứcđộ nặng của tự kỷ ít có ảnh hưởng đến sự biểu hiện của bệnh ở trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Kết luận Khó khăn trong khả năng giao tiếp không lời là vấn đề nền tảng của rối loạn phổ tự kỷ.