Sau Hiệp định Genève 1954, giới lãnh đạo Mỹ sắp xếp để Ngô Đình Diệm nắm quyền ở Sài Gòn với hy vọng ông sẽ nghe theo, nhưng rồi muộn màng nhận ra rằng họ không thể kiểm soát ông. Trong khi người Mỹ lo ngại về Diệm thì bản thân ông cũng lo ngại về Mỹ. Mỹ không thể thay đổi được gì trong nỗ lực buộc Diệm phải thực hiện những cải cách theo ý Mỹ. Người Mỹ xem những viện trợ kinh tế và sự có mặt ngày càng tăng về quân sự của mình như là điều kiện tiên quyết, nếu không phải là một bảo đảm cho cải cách phải có để thắng cuộc chiến tại Việt Nam. Diệm chấp nhận những hỗ trợ về quân sự, kinh tế, nhưng vẫn làm theo ý mình và không sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của Mỹ. Bất chấp những cảnh báo, Diệm vẫn tiếp tục cách giải quyết thiếu khôn ngoan đối với phong trào chống đối chính quyền họ Ngô. Cách thức này đã làm cho mục tiêu chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại. Dần dần, chế độ Diệm đã loại trừ mọi đối lập chính trị và tạo nên một khoảng trống quyền lực ở miền Nam Việt Nam khiến người Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài chính quyền hiện hữu. Vì vậy, người Mỹ buộc phải ``bơi'' nếu không sẽ ``chìm'' cùng với Diệm, cho dù chế độ này ngày càng mất lòng dân. Giới chức Mỹ hầu như chưa bao giờ tìm thấy một giải pháp hoàn hảo cho miền Nam Việt Nam. Những ý định thay Diệm xuất hiện ngay khi ông lên cầm quyền (1955) cho đến khi nó trở thành hiện thực (1963).