Sa tạng chậu nữ là bệnh lý gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sinh hoạt và lao động của phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ và tiền mãn kinh,mãn kinh. Vấn đề điều trị sa tạng chậu nữ đặt ra cho các bác sĩ làm cách nào tốt nhất để bảo tồn các cấu trúc và các cơ quan vùng chậu, và làm cách nào để gia cố sự nâng đỡ cho các cơ quan vùng chậu thật hiệu quả. Mục tiêu nghiên cứu Đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật đặt mảnh ghép đường âm đạo điều trị sa tạng chậu nữ tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang năm 2020-2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích 47 sản phụ được chẩn đoán sa tạng chậu độ 3 trở lên, được phẫu thuật đặt mảnh ghép đường âm đạo tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang. Kết quả độ tuổi trung bình mắc bệnh sa tạng chậu là 48,2 đến 75,8 tuổi, sinh 3-4 lần chiếm tỉ lệ cao nhất 46,8%, triệu chứng thường gặp trong sa tạng chậu nữ là tiểu nhiều lần chiếm tỉ lệ 63,8%. Phương pháp vô cảm trong phẫu thuật tê tủy sống chiếm 91,5%. Thời gian phẫu thuật trung bình 65,9-118,3 phút. Lượng máu mất trung bình khi phẫu thuật là 14,7-125,7ml. Không tổn thương trực tràng và bàng quang khi mổ. Thời gian nằm viện <
7 ngày chiếm tỉ lệ 82%. Theo dõi sau phẫu thuật 1 tháng-3 tháng-6 tháng chưa phát hiện biến chứng sau mổ. Kết luận Phương pháp đặt mảnh ghép đường âm đạo điều trị sa tạng chậu nữ đáp ứng mong muốn giải quyết được khối sa ở âm đạo âm hộ cho phụ nữ mà vẫn giữ lại được các cơ quan vùng chậu-nhất là tử cung. Trong 47 trường hợp nghiên cứu không có trường hợp nào bị biến chứng trong cuộc mổ và sau mổ. Tỉ lệ thành công của phẫu thuật đặt mảnh ghép đường âm đạo điều trị sa tạng chậu nữ theo đánh giá bước đầu là 100%. Tuy nhiên, cỡ mẫu còn ít và thời gian đánh giá còn ngắn, cần đánh giá thêm trên nhiều bệnh nhân và trong khoảng thời gian dài hơn nữa.