Nghiên cứu ăn mòn thép STK400 trong môi trường cảng Phú Mỹ được triển khai trong 5 năm. Mẫu nghiên cứu được chế tạo dạng cọc ống với chiều dài 12 m, đường kính ngoài 165 mm và bề dày 9 mm, được cắm thẳng đứng tại khu vực cầu cảng. Các vùng tiếp xúc với cọc thép theo thứ tự từ trên xuống bao gồm vùng khí quyển, vùng thủy triều, vùng ngập hoàn toàn và vùng bùn. Sự ăn mòn cục bộ mạnh, thể hiện bởi việc thủng lỗ xuyên qua ống thép được quan sát thấy tại cao độ xung quanh mực nước ròng. Biểu đồ phân bố tốc độ ăn mòn thể hiện đỉnh ăn mòn mạnh tại cao độ khoảng 1,7 m (ngay dưới mực nước cao), 4,2 m (mực nước ròng) và 8 m (ngay trên mặt bùn) với tốc độ lần lượt là 0,3,0,44 và 0,37 mm/năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguyên nhân ban đầu của sự ăn mòn cục bộ mạnh tại mực nước ròng sự thẩm thấu nước biển trên bề mặt thép tại cao độ này, dẫn đến sựphân cực mạnh của vùng này so với các vùng lân cận. Quá trình ăn mòn hiếm khi xảy ra trong giai đoạn này do sự tái hòa tan oxy trong mỗi chu kỳ thủy triều, sau đó các phản ứng ăn mòn tiếp tục xảy ra trên thép. Sau cùng, sự ăn mòn cục bộ diễn ra trong suốt quá trình thử nghiệm kéo dài và tạo thành lỗ thủng xuyên qua nền thép với tốc độ ước tính là trên 1,8 mm/năm. Các kết quả cho thấy sự ăn mòn mạnh tại mực nước ròng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự phá hủy các cấu trúc thép được xây dựng trong môi trường nước lợ tại cảng Phú Mỹ.