Việc giải thuyết âm vị học các nguyên âm đôi làm thành một âm tiết là một trong những vấn đề âm vị học phức tạp nhất. Trong bài viết này, tìm hiểu về nguyên âm đôi, người viết không đặt vấn đề đi sâu vào phương diện âm vị học mà chủ yếu tiến hành kháo sát, miêu tả nguyên âm đôi trong sự thể hiện của cư dân vùng Tây Nam Bộ (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và so sánh đối chiếu với tiếng Việt chuẩn. Đồng thời, người viết cũng tiến hành khảo sát, miêu tả sự biến đổi của một số nguyên âm trong âm tiết mở, trong các âm tiết có phụ âm cuối môi, bán âm cuối [-w], [-j] trong sự thể hiện của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Việc khảo sát, miêu tả nguyên âm đôi, sự biến đổi của các nguyên âm trong vần mở, vần có âm cuối [-m, -p, -w, -j] sẽ góp phần miêu tả rõ hơn hệ thống ngữ âm vùng Tây Nam bộ nói riêng, phương ngữ Nam Bộ nói chung.