Ở xã hội thời phong kiến, người Việt xem trọng việc đỗ đạt khoa cử và nông nghiệp. Thương mại và thủ công nghiệp chỉ được xem là thứ yếu trong tư duy kinh tế của người Việt. Cho nên khi chủ nghĩa tư bản theo con đường thực dân vào Việt Nam, người Việt trở thành cộng đồng thích ứng chậm với những biến đổi diễn ra trên trường kinh tế. Trong số những khó khăn của quá trình thay đổi tư duy và sinh hoạt kinh tế, ngành tài chính ngân hàng được xem như lĩnh vực hạn chế nhất của người Việt thời thuộc địa. Từ thực tế đó, năm 1912, mô hình Nông nghiệp tương tế hội ra đời ở Nam kì được xem là những thể nghiệm đầu tiên của người Việt trong việc thành lập các tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do tiềm lực kinh tế còn hạn chế, các hội nông nghiệp tương tế này lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của Ngân hàng Đông Dương. Đến năm 1919, với tinh thần dân tộc đang dâng cao trong phong trào tẩy chay Hoa kiều, kế hoạch thành lập một tổ chức tài chính tên là Việt Nam Ngân hàng đã xuất hiện nhưng không thành công. Phải 8 năm sau, năm 1927, Việt Nam Ngân hàng mới chính thức được thành lập, trở thành ngân hàng đầu tiên của người Việt, phản ánh nỗ lực xây dựng một cơ sở tài chính độc lập với tư sản ngoại kiều. Sự ra đời này là sản phẩm kết tinh của sức mạnh kinh tế và tinh thần dân tộc đang dâng cao trong phong trào yêu nước của giới tinh hoa bản xứ cuối thập niên 1920.