Nghiên cứu này được triển khai nhằm thu thập nguồn gen nấm Thượng Hoàng tại các khu bảo tồn thiên nhiên khu vực phía Bắc, Việt Nam và xác định phương pháp thích hợp cho xử lý mẫu cho quá trình phân lập sợi nấm, cũng như môi trường thích hợp cho nuôi cấy hệ sợi nấm Thượng Hoàng. Trong nghiên cứu này đã thu thập được bốn quả thể nấm Thượng Hoàng, được ký hiệu là NTH-PL1, NTH- PL2, NTH-PL3 và NTH-PL4. Quả thể nấm Thượng Hoàng có hình bán nguyệt/ móng ngựa, màu nâu sẫm, đường kính quả thể dao động từ 5,0 đến 15,3 cm. Kết quả phân lập cho thấy sử dụng ethanol 70%, 10 phút là thích hợp nhất để loại bỏ tạp nhiễm vi sinh vật có trong mẫu, với hiệu quả đạt 29,17%. Bốn chủng nấm Thượng Hoàng có khả năng sinh trưởng tốt trong môi trường PDB, MCM, MEB và YEB, trong đó môi trường MCM là thích hợp nhất cho chủng NTH- PL1 (sinh khối sợi khô 10,6 mg/100 ml), NTH-PL2 (10,4 mg/100 ml), NTH-PL3 (13,9 mg/100 ml) và NTH-PL4 (16,4 mg/100 ml).